Archive for the ‘Đọc báo’ Category

‘Một nửa giáo viên hối hận vì nghề đã chọn’

“Chưa bao giờ phương tiện thông tin đại chúng lại bôi nhọ nghề giáo như bây giờ”, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học Giáo dục) chia sẻ.

Hình minh họa

“Mỗi giáo viên phổ thông phải làm tới 10 đầu việc, thời gian lao động 60-70 giờ/tuần, trong khi có đến 50% giáo viên được hưởng lương dưới mức bình quân”. Đó là một trong những công bố của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam về đề tài nghiên cứu “Giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông”.

Chán nghề, suy thoái đạo đức

– Qua kết quả nghiên cứu, ông có suy nghĩ gì về thực trạng của đội ngũ giáo viên?

– Chúng tôi đã điều tra về nhân cách và năng lực nghề nghiệp của giáo viên tại 7 tỉnh, thành. Kết quả là tuyệt đại bộ phận có phẩm chất tư tưởng đạo đức tốt, gắn bó với nhà trường. Tuy nhiên, có một bộ phận nhỏ sa vào tệ nạn xã hội và suy thoái về đạo đức. Nguyên nhân chính của sự thoái hóa đạo đức là lương thấp, chịu nhiều áp lực, lao động căng thẳng. Một bộ phận đáng kể chán nghề, chưa nhận thức đầy đủ chức năng nhiệm vụ của người giáo viên.

– Phải chăng ông muốn nói chất lượng giáo dục hiện nay thấp là do đội ngũgiáo viên?

– Nói chung, đội ngũ giáo viên hiện nay còn rất nhiều bất cập. Đó là một trong những nguyên nhân chính. Chất lượng của nền giáo dục không bao giờ vượt quá chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Nhưng chất lượng đội ngũ giáo viên thấp, kết quả giáo dục thấp là do đâu? Ta đã coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu chưa?

– Vậy hệ quả sẽ là?

– Chất lượng giáo dục thấp thì làm sao tạo ra được những học sinh giỏi được. Cơ sở vật chất có thể rất hiện đại, sách giáo khoa, chương trình rất hay nhưng đội ngũgiáo viên năng lực hạn chế thì không thể có nền giáo dục tốt được.

Mọi thứ đều đổ lên đầu giáo viên cả!

– Nhiều người nghĩ rằng giáo viên là một nghề nhàn nhã, bởi thế thu nhập không cao cũng là điều dễ hiểu?

– Người ta cứ nghĩ là giáo viên nhàn, nhưng ngoài thời gian lên lớp, họ còn dành thời gian soạn bài, chấm bài… Một khảo sát do chính tôi làm, điều tra trên 526 giáo viên phổ thông ở 27 trường thuộc 5 tỉnh cho thấy, thời lượng lao động của giáo viênphục vụ cho giáo dục là rất kinh khủng. Cấp tiểu học, số giờ làm việc trong một tuần cao hơn khoảng 1,5 lần so với quy định của Nhà nước (nhà nước quy định 40 giờ/tuần), cấp THCS là gấp 1,7 lần, THPT là 1,8 lần.

– Khảo sát dựa trên những tiêu chí nào thưa ông?

– Tôi đưa cho giáo viên bảng hỏi thống kê một ngày làm việc bình thường, từ lúc đi làm đến lúc trước khi đi ngủ. Sau đó tôi lấy ra giờ làm việc trung bình.

– Ý ông đó không phải là một nghề nhàn nhã?

– Lao động của người giáo viên chịu rất nhiều áp lực. Áp lực từ phía học sinh, cha mẹ các em, cán bộ quản lý giáo dục, xã hội… Mọi thứ đều đổ lên đầu giáo viên cả!

– Làm việc vất vả như vậy, thu nhập của họ thì sao thưa ông?

– Một sinh viên sư phạm tốt nghiệp đại học ra trường có mức lương trung bình khoảng trên dưới 2 triệu đồng/tháng, gồm cả tiền đứng lớp. Đối với giáo viên trẻ mới ra trường, tiền lương chưa chắc đã đủ tiền xăng xe, điện thoại, nhậu nhẹt với bè bạn… Còn ăn uống, nhà cửa, là hoàn toàn nhờ bố mẹ. Lương thấp không đủ sống, áp lực cao, dẫn đến những bệnh nghề nghiệp mà nhiều người không có điều kiện chữa trị. Nhưng cái quan trọng nhất là nó không làm cho người ta yêu nghề.

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ.

Họ hối hận với lựa chọn nghề giáo

– Ông thấy số giáo viên yêu nghề hiện nay có nhiều không?

– Tôi đã hỏi hơn 500 giáo viên ở 3 cấp với câu hỏi: Nếu được chọn lại nghề khác thì ông (bà) có chọn nghề dạy học nữa không? Kết quả là số giáo viên không còn muốn làm nghề giáo ở cấp tiểu học là 40,9%, cấp THCS là 59%, và THPT là 52,4%. Thế là có ít nhất một nửa giáo viên hiện nay không muốn làm nghề dạy học nữa. Họ hối hận với lựa chọn nghề giáo. Một bộ phận đáng kể đang chán nghề.

– Vì đâu mà lại có nông nỗi đó thưa ông?

– Đơn giản vì chế độ chính sách đãi ngộ với họ chưa thỏa đáng, không tốt. Nghề không nuôi sống được bản thân, gia đình. Vì không sống được bằng nghề nên họ phải tìm cách khác, phải dạy thêm, làm thêm ruộng, buôn bán, đưa hàng, chạy chợ, nhờ cậy vào sự trợ giúp của gia đình…

– Ông nói thế liệu có thuyết phục không khi mà trước đây cũng khó khăn, vất vả mà giáo viên vẫn yêu nghề?

– Trước đây điều kiện xã hội nó khác. Chúng tôi sống trong thời bao cấp, tất cả mọi người đều giống nhau. Không ai trách móc, suy bì, tất cả vì một lý tưởng cao cả. Giờ đã khác. Không yêu nghề thì họ sẽ không có động lực để dạy học. Người nào tốt lắm thì làm tròn trách nhiệm. Còn số người có tâm huyết thì ít lắm.

Thầy cầm phong bì, nó sẽ coi thầy là gì?

– Ông vừa nói, một trong những tồn tại của giáo viên hiện nay là đa số giáo viên chưa nhận thức đầy đủ chức năng nhiệm vụ của người giáo viên?

– Chức năng của người giáo viên là giáo dục và dạy học. Nhưng hiện mới chỉ dừng lại vai trò dạy học, mà vai trò giáo dục của người giáo viên được nhận thức chưa đầy đủ. Giáo viên phải là nhà giáo dục đã chứ không phải là thợ dạy. Nhưng giờ mới chú ý tới dạy chữ, chưa chú ý nhiều tới dạy người.

– Ông bảo giáo viên phải là một nhà giáo dục?

– Nghĩa là giáo viên phải bằng chính nhân cách của mình để giáo dục học sinh. Đó là đặc thù của nghề dạy học, nó cao quý là ở chỗ đó. Giờ thầy cầm của bố mẹ nó một cái phong bì rồi chữa điểm cho nó, nó biết chứ. Thế thì nó sẽ coi thầy giáo là gì? Thầy sẽ giáo dục nhân cách cho nó như thế nào?

– Theo kết quả điều tra thì đa số giáo viên không nhận thức điều đó?

– Đúng vậy. Phần đáng kể chỉ lo việc dạy học, truyền thụ kiến thức thôi. Họ thiếu ý thức và  kỹ năng về giáo dục. Họ không để ý đến điều đó, dù trong nhà trường sư phạm cũng có dạy.

– Vậy chúng ta phải làm gì?

– Phải cải cách đội ngũ giáo viên, thay đổi cách đào tạo giáo viên. Chứ cứ như đội ngũ hiện nay thì chắc không thể thực hiện được đổi mới giáo dục, không thể tạo ra sự đột phá.

Thi nhau bôi nhọ nghề giáo

– Người Việt vốn có truyền thống tôn sự trọng đạo, đến nay truyền thống ấy có còn nguyên vẹn không?

– Cô thử đọc trên báo chí hiện nay xem hình ảnh người thầy thế nào. Họ chọn những câu chuyện giật gân, làm xã hội nhìn nhà giáo bằng con mắt khác. Còn đâu truyền thống tôn sư trọng đạo. Bao nhiêu tấm gương người tốt việc tốt thì không thấy đưa. Thế mà toàn chỗ này thầy giáo đánh học sinh, chỗ kia lạm dụng tình dục học sinh… Chưa bao giờ phương tiện thông tin đại chúng lại bôi nhọ nghề giáo như bây giờ.

– Đó là những chuyện có thật, không phải chuyện bịa. Nhưng người ta đưa lên để làm gì?

– Hiện có 800.000 giáo viên, trong đó chỉ cần 1.000 ông mất dạy, mà chỉ đưa tin về 1.000 ông đó đã kinh khủng rồi. Nhưng nó có là gì so với 800.000? Trường nào, chỗ nào chẳng có một hai giáo viên không tử tế, không làm đúng tư cách thầy giáo. Thế mà chỉ rình rình đưa những thông tin đó thì người ta sẽ nhìn nhận nghề giáo như thế nào? Tôi thấy rất chán với điều đó.

– Nhưng rõ ràng giáo viên phải là người giữ được chuẩn mực, ít nhất là chuẩn mực đạo đức. Khi họ không giữ được, thì buộc xã hội phải lên án?

– Đúng thế. Nhưng nếu chỉ nhìn vào một bộ phận để đánh đồng đội ngũ nhà giáo thì tôi thực sự thấy buồn.

 

Giáo viên hiện nay không được coi trọng, từ chính sách đến cách xã hội nhìn nhận. Vấn đề tiền lương, vấn đề chế độ tuyển giáo viên. Sinh viên sư phạm ra trường rất khó khăn mới kiếm được việc làm.

Thậm chí có người phải “chạy” hàng trăm triệu đồng mới có được chỗ dạy ở một tỉnh lẻ. Xã hội như thế thì làm sao đòi hỏi giáo dục phải có chất lượng cao được. Mình không thể trách giáo viên, vì mình phải hiểu cái gì dẫn đến như thế? Họ chỉ là nạn nhân, vì xã hội thế nào thì nhà trường như thế.

 

Theo Kiến Thức

EVN ‘thích’ mua điện Trung Quốc giá cao

Trong khi ra sức ép các nhà máy thủy điện, thậm chí họ phải chào giá 0 đồng để được chạy máy thì Tập đoàn điện lực VN (EVN) lại vác tiền đi mua điện của Trung Quốc với giá cao gấp 2 đến 3 lần.

Tại buổi làm việc mới đây giữa Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) và tỉnh Phú Yên, nhiều nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã vò đầu bứt tai kêu khó do mâu thuẫn giữa việc phát điện cạnh tranh và xả nước để đảm bảo tưới cho vùng hạ du.

Ông Lê Chí Trọng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết kể từ khi xây dựng 3 nhà máy thủy điện Krông H’năng, Sông Ba Hạ và Sông Hinh trên lưu vực sông Ba, nguồn nước về hạ lưu sông Ba đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng  do các nhà máy tích nước phát điện. Ông Chế Bá Hùng, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Phú Yên cũng nhìn nhận, việc hạ lưu sông Ba thường xuyên thiếu nước là do các nhà máy không duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định.

Sông Ba trơ đáy vì thủy điện không xả nước

“Không thể bán được điện”

Về phía thủy điện, ông Dương Quốc Vương, phụ trách Nhà máy thủy điện Sông Hinh, thuộc Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, giải thích năm nay nguồn nước về hồ thủy điện này rất dồi dào nên đến cuối tháng 4/2012, nước vẫn đầy hồ. Nhưng khi triển khai phát điện cạnh tranh từ 1/7, thì nhà máy không thể bán được điện do EVN không đồng ý  mua, mặc dù nhà máy chào giá bán điện không quá cao. Có thời điểm nhà máy chỉ chạy máy cầm chừng 2 giờ/ngày đêm, trong khi hạ lưu thì đang khô khát.

Trong khi đó, trước bức xúc của tỉnh Phú Yên, EVN liền phát văn bản yêu cầu Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ và Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh khẩn trương cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất vụ hè thu 2012 theo đề nghị của tỉnh, trong đó Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ cung cấp nước liên tục 14 giờ mỗi ngày. Trước tình hình này, ông Đặng Văn Tuần, Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ nói, nếu chạy 14 giờ mỗi ngày, nhà máy sẽ nhanh chóng hết nước và lỗ thêm do giá bán điện lại thấp. Do đó, ông Tuần đề nghị, EVN cần cân nhắc giữa việc cấp nước cho hạ du và việc mua điện từ các nhà máy thủy điện, đảm bảo sự hài hòa hợp lý.

Một đại diện của Hiệp hội Năng lượng VN phân tích, “cái khó” ở chỗ nhiều nhà máy muốn phát cũng không được phát, do lượng phát, giờ phát trong ngày của các nhà máy bao nhiêu vẫn do EVN (thông qua Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia – A0) điều phối. Lãnh đạo một nhà máy thủy điện ở Phú Yên (xin giấu tên) tiết lộ: “EVN ưu tiên mua điện ở các nhà máy thủy điện có giá rẻ, thấp hơn giá 563 đồng/kW/h, thậm chí có đơn vị chỉ chào giá 300 đồng/kW/h”. Ông Đặng Văn Tuần cũng cho biết, trước yêu cầu cấp nước cho vùng hạ du của tỉnh Phú Yên, đã có thời điểm thủy điện Ba Hạ phải chào giá 0 đồng (chỉ hưởng 95% giá sàn – PV) để được chạy máy.

Đại diện một nhà máy thủy điện cũng “tố”, lúc thiếu điện thì không sao, nhưng lúc thừa điện, EVN lập tức ép giá, huy động thời gian phát rất ít, thậm chí các nhà máy thủy điện nhỏ phải đắp chiếu nằm đấy do không được huy động.

Không mua trong nước lại mua mắc ở nước ngoài

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN phân tích, nhà máy thủy điện phải thực hiện nhiều mục tiêu, vừa phát điện, vừa chống lũ, chống hạn. Vận hành vì lợi nhuận nên nhà máy nào cũng muốn tích nước, dự trữ cho phát điện, nhưng như thế hạ lưu sẽ thiếu nước. Không chỉ sông Ba, rất nhiều dòng sông cũng đang trong tình trạng này. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Công thương phải xử lý triệt để, rốt ráo quy trình vận hành, điều tiết nước các hồ, yêu cầu các nhà máy phải chạy máy, xả đủ nước cho hạ lưu, nếu không người dân sẽ chịu thiệt thòi. Ông Ngãi cũng cho rằng, giai đoạn này đang thừa điện, không có lý do gì các nhà máy không xả nước.

Trên thực tế, theo nhiều nhà máy, vào mùa thấp điểm là mùa mưa, giá bán điện cho EVN của các nhà máy thủy điện chỉ 500 – 550 đồng/kWh. Với giá điện này hầu hết các nhà máy đều lỗ, dẫn tới tình trạng càng phát nhiều giờ trong ngày thì lỗ càng nặng.

Trong khi đó EVN vẫn mua điện từ Trung Quốc với giá khoảng 1.300 đồng/kWh, gấp 2 – 3 lần giá mua điện của các nhà máy thủy điện, cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, vừa phía bắc thường xuyên không được huy động. Cụ thể, theo Tập đoàn Hưng Hải – chủ đầu tư nhiều nhà máy thủy điện, 12 tỉnh phía bắc hiện nay vẫn sử dụng nguồn mua điện từ Trung Quốc.

Được biết lý do vì EVN bị ràng buộc bởi hợp đồng khi không tiêu thụ hết điện theo hợp đồng đã ký, nếu điện chạy ngược sang Trung Quốc quá 5% công suất thì bị phạt nên ưu ái mua điện Trung Quốc hơn. Dẫn tới giờ cao điểm, điều độ điện lực các tỉnh Hà Giang, Lào Cai ép các nhà máy thủy điện nhỏ phải cắt giảm công suất.

Theo ông Ngãi, mấu chốt vấn đề vẫn là phải nhanh chóng xóa bỏ tình trạng độc quyền của EVN, chấm dứt tình trạng một tay nắm cả mua bán, phân phối, điều độ như hiện nay. “Chỉ mất vài năm để thực hiện thị trường cạnh tranh thực sự, thông qua việc tái cơ cấu lại EVN cho hợp lý, thành một tập đoàn chỉ nắm việc bán lẻ, tách hoàn toàn khâu bán buôn thành các tổng công ty độc lập, để các nhà máy cạnh tranh thực sự với nhau, giá bán, giờ phát được bình đẳng. Vấn đề không khó, nhưng có quyết tâm thực hiện hay không. Càng quyết sớm người dân càng có lợi, như bây giờ, nói là cạnh tranh nhưng làm gì có cạnh tranh”, ông Ngãi nói.

Theo Thanh Niên