Archive for the ‘Văn hay lớp 5’ Category

Trúc Phương vào nhận bài nè con – Quan điểm về sống đẹp

Con người ta sinh ra và lớn lên, ai lại không một lần ước mơ, dù là ước mơ thật bình thường, thật đơn giản và ai cũng có những khát vọng, có niềm tin và có lý tưởng để sống nhất là đối với tuổi trẻ của chúng ta, lứa tuổi người ta cho là đẹp nhất thì ước mơ và lý tưởng lại bộc lộ rõ nét, có lúc lại đan xen với nhau, có lúc lại là một cuộc đấu tranh dằn vặt. Ai cũng biết, tuổi trẻ bao giờ cũng vươn tới cái hay nhất, cái đẹp nhất. Đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời biết bao điều mới lạ đặt ra đòi hỏi phải nhận thức và xử lý. Đâu sẽ là sống đẹp, sống có ích? Tiền đề tươi sáng? Thế nào là hạnh phúc, là ước mơ cao đẹp?

“Sống đẹp” không phải là một cái gì to lớn lắm, nó rất gần gũi với chúng ta, đó không phải là những lý lẽ, những lời nói suông, nhưng phương châm trên giấy, sách vở… mà đó là những việc làm, những hành động cụ thể diễn ra hàng ngày trong đời sống của chúng ta. Ðịnh nghĩa về “Sống đẹp” sẽ có rất nhiều cách khác nhau; Đó là sống có đạo đức trong sáng và bản lĩnh vững vàng, có lý tưởng và sống hết mình vì lý tưởng, chỉ khi xác định được điều đó ta mới sống và làm việc thật sự có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Có thể hiểu “Sống đẹp” là sống có ích, là sống có lý tưởng, có bản lĩnh vững vàng, có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, trong sang. Chỉ khi xác định được điều đó ta mới sống và làm việc thật sự có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Bản thân tôi nghĩ rằng bản thân mỗi người nên cố gắng hoàn thành tốt công việc mình đang làm cũng là sống đẹp.

Trong thực tế, rất có thể có một số bạn trẻ nghĩ “Sống đẹp” là một khái niệm xa vời, khó thực hiện; tuy nhiên, nếu nhìn thẳng và sâu vào vấn đề này trong thời kỳ đất nước đổi mới tiến vào công nghiệp hóa – hiện đại hóa ta thấy điều đó thật sự không có gì xa lạ, khó thực hiện; mà trái lại nó tồn tại ngay trong cách nghĩ, cách làm hay nói gần hơn là trong cách ăn nói, ứng xử trong lao động, công tác, học tập và đời sống thường nhật của mỗi con người. Nếu như trong chiến tranh, lớp lớp cha anh ta đã sống và cống hiến quên mình cho nền độc lập dân tộc, tính mạng con người và cuộc sống hạnh phúc cá nhân là rất qúy giá, nhưng tất cả đều được tình nguyện gác lại, tình nguyện hy sinh, họ sẵn sàng đánh đổi những gì là riêng tư nhất để đổi lấy nền độc lập dân tộc.

Họ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” khi tuổi đời còn rất trẻ và cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp chung của Tổ quốc. Khi Tổ quốc cần, họ đã tự nguyện ra đi, chiến đấu và hy sinh anh dũng. Đó là sự dấn thân, cống hiến hoàn toàn tự nguyện khi bản thân đã hiểu thế nào là lẽ sống của một con người và lý tưởng của Người Cộng sản. Họ đã có niềm tin tuyệt đối vào độc lập tự do, có lý tưởng cao cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vô tư dâng hiến tuổi trẻ và cuộc đời cho đất nước. Niềm tin và lý tưởng ấy được bồi đắp và khích lệ mạnh mẽ bởi sự hy sinh lớn lao và nhân cách cao cả của bộ máy lãnh đạo mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Biết bao nhiêu anh hùng, liệt sĩ đã nghĩ và hành động như vậy.

Ngày hôm nay, sống giữa đất trời hoà bình, chiến tranh đã lùi xa, phần lớn mọi sự so sánh giữa thời chiến tranh với thời hiện tại đều có rất nhiều sự khác biệt, nhưng có một điểm chung rất thống nhất trong tình cảm và lí trí của thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay chính là: lý tưởng cách mạng và khát vọng sống, cống hiến cho quê hương, đất nước. Bởi tôi nghĩ, ở mỗi con người nhu cầu khẳng định mình là rất lớn; nhất là ở tuổi trẻ, bởi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào các bạn trẻ cũng luôn luôn khát khao được thực hiện những ước mơ và khát vọng của bản thân. Nếu như những ước mơ, khát vọng, niềm tin và lý tưởng ấy được quan tâm, chăm sóc, giáo dục và khơi dậy sẽ biến nó thành sức mạnh to lớn để phát triển đất nước và sẽ là những đoá hoa thơm có ích giữa cuộc đời như lời Bác đã khẳng định khi tham dự Đại hội Đoàn lần thứ III năm 1961 “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”.

“Sống đẹp” là chúng ta phải biết dung hoà mọi mặt: môi trường sống và làm việc, quan hệ xã hội, gia đình… Một hành động giúp đỡ người già cả, tàn tật, người gặp khó khăn hoạn nạn; một phong trào cứu trợ đồng bào bị thiên tai; một phong trào đền ơn đáp nghĩa rộng khắp; những lớp học tình thương đem ánh sáng văn hoá đến với trẻ em nghèo… tất cả những việc làm ấy là kết quả của một cách sống coi trọng nhân nghĩa. Chúng ta thật sự cảm động khi bắt gặp rất nhiều những hình ảnh thanh niên tình nguyện đang lao động quên mình trên mọi miền đất nước. Đấy là những thanh niên có lý tưởng cao đẹp, có trái tim nồng nhiệt, xung kích vào những công việc mà tổ quốc và nhân dân gọi đến.

Tôi đã nhìn thấy trong ánh mắt và qua chuyện kể của các bạn tình nguyện, ngọn lửa truyền thống yêu nước nồng nàn và lòng nhân ái cao đẹp của thanh niên ta. Riêng hai chữ “tình nguyện” đã nói lên những đức tính quên mình vì nước, vì dân của các bạn và một phong cách mới “mình vì mọi người”, không đòi “mọi người vì mình”.

“Sống đẹp” phải chăng nó cũng giống như lý tưởng và ước mơ, bao giờ nó cũng đi đôi với nhau. Bởi chỉ sống đẹp, có ước mơ không thôi thì sẽ dễ sản sinh ra một lớp người chỉ thích hưởng thụ, dễ lầm lạc và dễ sa ngã. Còn sống chỉ có lý tưởng thì con người dễ bi quan, dễ chao đảo khi có cái gì đó không như họ muốn, họ nghĩ vậy thì chẳng khác nào sống có ích, có lý tưởng là cái gì đó thật cao qúi, tốt đẹp mà mình mơ ước và hướng tới, coi đó là mục đích phải thực hiện được, dẫu phải trải qua những khó khăn gian khổ. Có những lúc, chính cái “Sống đẹp” mà mình đang kiên trì hướng tới lại là cái tạo cho mình sức mạnh để vượt qua khó khăn.

“Sống đẹp” cũng là lý tưởng cao đẹp của một thời, lý tưởng càng đẹp càng cao thì sức mạnh càng nhân lên gấp bội. Thời kháng chiến gian khổ ác liệt, sống chết trong gang tấc thì cái lý tưởng giải phóng đất nước đánh đuổi kẻ thù luôn là động lực thúc đẩy để người chiến sỹ cách mạng vượt lên và chiến thắng. Trong hoà bình xây dựng đất nước, không phải là không có kẻ thù, không có những cản trở đê hèn luôn rình rập để lôi kéo con người tha hoá, biến chất. Chính cái lý tưởng sống nhân ái, mong muốn dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh lại là niềm cổ vũ, là sức mạnh để những con người tự khẳng định và trưởng thành.

Chúng ta có thể kể ra rất nhiều những nét tiêu biểu của lối sống đẹp – sống có ích. Nếu như trong chiến tranh, như đã nói ở trên, cha anh ta đã sống và cống hiến quên mình cho nền độc lập dân tộc; tính mạng con người và cuộc sống hạnh phúc cá nhân đều được tình nguyện gác lại, tình nguyện hy sinh, họ sẵn sàng đánh đổi những gì là riêng tư nhất để đổi lấy nền độc lập dân tộc. Họ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” khi tuổi đời còn rất trẻ và cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp chung của Tổ quốc. Khi Tổ quốc cần, họ đã tự nguyện ra đi, chiến đấu và hy sinh anh dũng. Đó là sự dấn thân, cống hiến hoàn toàn tự nguyện khi bản thân đã hiểu thế nào là lẽ sống của một con người và lý tưởng của Người Cộng sản. Biết bao nhiêu anh hùng, liệt sĩ đã nghĩ và hành động như , thì ngày hôm nay, sống giữa đất trời hoà bình, khi chiến tranh đã lùi xa, mọi sự so sánh giữa thời chiến tranh với thời hiện tại phần lớn đều có rất nhiều sự khác biệt, nhưng có một điểm chung rất thống nhất trong tình cảm và lí trí của thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay chính là: lý tưởng sống, khát vọng sống và cống hiến cho Tổ quốc. Bởi tôi nghĩ, ở mỗi con người nhu cầu khẳng định mình là rất lớn; nhất là ở tuổi trẻ, chúng tơi luôn luôn khát khao được thực hiện những ước mơ và khát vọng của bản thân.

Thực tế, trong cuộc sống có rất nhiều những tấm gương để chúng ta suy nghĩ và học tập nói theo. Với tôi, đó là tấm gương của em học sinh vượt nghèo khó để học và học rất giỏi Nguyễn Vũ Hoàng – Trường THPT Bố Trạch – Quảng Bình. Em có thể quá xa tôi về khoảng cách địa lý, tuy nhiên tôi luôn cảm thấy em rất gần và có nhiều điều để cho tôi học tập.

Sinh ra trong một gia đình nghèo trên mảnh đất nghèo, khô cằn bởi khí hậu và bom đạn, tưởng rằng như thế cũng đã là thử thách giành cho Hoàng, nhưng không, mẹ Hoàng lại còn bị bệnh hiểm nghèo, bố là thương binh, sức khoẻ yếu. Trong hoàn cảnh đó em đã biết vượt lên số phận để vừa lao động mưu sinh vừa học tập. Niềm khát khao được học tập của em đã làm cho bà ngoại của em đã có một hành động rất đáng nhớ, đó là hàng ngày đi cắt lúa mót, vừa là để ăn, vừa là để bán, bởi mùa nào thì thức đó, bà đều đặn để vào hũ tiết kiệm tiền cho Hoàng đi học: 1.000 đồng. Điều tôi học được từ Hoàng đó chính là ý chí phấn đấu không mệt mỏi của em. Không cam chịu, không đầu hàng số phận, không buông xuôi bản thân mình em đã cố gắng và đã là học sinh giỏi trong 12 năm liền và hơn thế em đã là người vinh dự đội vòng nguyệt quế của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” với một phần thưởng vô cùng lớn lao đó là được đi du học nước ngoài. Thành tích của em đã đem lại nghị lực để chiến thắngï bệnh tật cho người mẹ, niềm vui cho người bà rất mực thương yêu em và là tấm gương cho người em nhỏ trong gia đình và hơn thế, nó đã nâng cánh cho ước mơ cống hiến cho quê hương, đất nước của em dần trở thành hiện thực.

Và tôi tin, em lớn lên từ nghèo khó và trưởng thành bằng nghị lực, em sẽ tiếp tục gặt hái được
nhiều thành công, sẽ là người thanh niên sống có ích cho xã hội em sẽ luôn là tấm gương sáng về “Sống đẹp” cho rất nhiều người dù cho hoàn cảnh sống của họ có giống em hay không.

Vâng! Có lẽ vì thế mỗi con người chúng ta, ai cũng đều có riêng cho mình những mục đích sống, những lý tưởng, ước mơ và hoài bão. Nhưng để “Sống đẹp” thì ai cũng phải tự nhìn lại
chính mình để suy ngẫm về mục đích sống, những lý tưởng, những ước mơ và hoài bão đó. Và có lẽ còn khó khăn hơn để chúng ta hiểu cặn kẽ thế nào là “Sống đẹp – sống có ích” ?

Riêng bản thân tôi: “Sống đẹp” đó chính là mình phải biết sống vì cái chung của xã hội và
của mọi người, phải biết xa rời cái chủ nghĩa cá nhân, thực dụng. Để từ đó xây dựng cho chính
mình một lối sống “Sống đẹp” cho mọi người và cho xã hội. Một nhà thơ đã từng viết: “Sống là
cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Sống đẹp là nếp sống của một con người có phẩm chất đạo đức tốt, biết hy sinh và cống hiến, không đơn điệu, cá nhân, mà phải biết hoà mình với cộng đồng, với tập thể, biết yêu thương, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn hoạn nạn. Sống có ích là lối sông biết hy sinh, biết gạt bỏ những lợi ích riêng tư để tìm cái chung và chia sẻ những đau thương mất mát của người khác, biết đóng góp và cống hiến hết sức mình vì lợi ích, tương lai của Tổ quốc, của dân tộc.

Gần đây, qua hai cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc, chúng ta như
được sống lại không khí thời chống Mỹ. Tôi rất tâm đắc với lời nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn: “Sự tận tụy làm người của Đặng Thùy Trâm là nhân tố khiến cho những người lính Mỹ khác hắn về lý tưởng cũng phải kính trọng.” Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh một cô gái Hà Nội nhỏ bé, một nữ bác sĩ trẻ phụ trách một bệnh viện dã chiến trong rừng sâu Đức Phổ, Quảng Ngãi. Đêm đêm, sau những lúc mệt mỏi vì chăm sóc thương binh, chị lại ngồi cặm cụi ghi những dòng nhật ký, ghi lại những khát vọng sống, khát vọng yêu thương, khát vọng làm người. Chị và đồng đội của chị đã chiến đấu và hy sinh với mong muốn ngày mai đất nước ta tươi đẹp, hoà bình thống nhất hai miền, để những đứa em Miền Nam kết nghĩa của chị được ra thăm Miền Bắc, để mọi người dân được sống trong hạnh phúc, ấm no.

trong khi đó nhiều gia đình còn đang sống trong những căn nhà dột nát, bữa no, bữa đói, thiếu nước, thiếu điện.¼Tôi lại nghĩ đến một số không ít những thanh niên thế hệ chúng tôi ngày nay, sinh ra trong những gia đình giàu có đang lao vào những cuộc ăn chơi thác loạn, quay cuồng trong những hộp đêm với thuốc lắc hoặc đua xe gầm rú trên đường phố như những hung thần. Tôi lại nghĩ đến những cán bộ thoái hoá biến chất đang sống trong nhung lụa, trong những căn hộ cao cấp, thừa mứa những tiện nghi đắt tiền. Họ còn tìm đủ mọi mánh lới thủ đoạn để tham nhũng tiền bạc của nhà nước của nhân dân đem cung phụng cho bồ nhí, thư ký riêng

Tóm lại, “Sống đẹp” không là một khái niệm xa vời, khó thực hiện; trái lại nó tồn tại ngay
trong cách nghĩ, cách làm hay nói gần hơn là trong cách ăn nói, ứng xử trong lao động, công tác, học tập và đời sống thường nhật của mỗi con người. Nói rõ ra. thanh niên ngày nay sống đẹp, sống có ích trước hết phải là sống có lý tưởng, mục đích rõ ràng, trung thành với mục tiêu của chính mình. Mỗi người có thể có mục tiêu khác nhau, nhưng nhất thiết không phải là một lối sống vị kỷ mà luôn hướng tới cộng đồng, như nhà thơ Tố Hữu trong buổi đầu băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời đã viết:

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với muôn nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời .

Tả con sông quê em ( bài làm của Gia Khánh – Trường TH Him Lam)

Nghỉ hè, ba mẹ dẫn em về ngoại chơi. Ngoại dẫn em ra con sông đầu làng. Con sông này là một trong những nhánh của con sông Mê Kông.

Nhìn từ xa, con sông uốn lượn như một con rắn đang bò. Nước sông rất đục, nhiều phù sa. Một bên sông thì bồi lên, một bên sông thì lở xuống. Hai bên bờ sông là những đồng lúa bát ngát, những túp lều tranh ẩn hiện sau rặng tre già và hai hàng dừa thẳng lối. Thấp thoáng bên kia bờ sông là bến đò Nhỏ, những chiếc ghe, chiếc đò đều đậu ở bên đó.

Mặt trời dần hiện lên sau bụi tre. Bầu trời đỏ rực, dòng sông cũng như cái gương lớn phản chiếu lại bầu trời. Mặt sông phẳng lặng, yên tĩnh như đang ngủ. Những chiếc ghe, chiếc đò chở rau đi bán sớm đang chèo nhè nhẹ trên mặt sông.

Mặt trời dần lên cao, con gà trống đã gáy canh sáu, rồi canh bảy, canh tám,…đến đúng mười hai giờ, chẳng mấy chốc đã đến buổi trưa. Buổi trưa vào mùa hè thật nóng nực, oi bức. Những đám lục bình trôi lững lờ trên sông, những chiếc ghe chài quăng lưới như những sợi tơ nhện lấp lánh trong ánh nắng chói chang.  Những cái vó cá như những chiếc phễu khổng lồ dần dần được kéo lên. Cả dòng sông lấp lánh màu bạc như thủy tinh, bọn trẻ ùa ra sông tắm. Thỉnh thoảng, em cũng cũng xuống tắm chung với các bạn. Xa xa, những chú trâu lướt mình xuống dòng sông nằm ngâm mình tránh nắng.  ( hix người và trâu tắm chung, dơ  quá con ơi !)

Mặt trời dần lặn sau những mái nhà tranh. Dòng sông khoác lên màu áo ráng chiều. Trong những ngôi nhà tranh thấp thoáng ánh đèn dầu, những con đom đóm lập lòe bay trên trời, một số con đang ngồi ” soi gương” trên mặt sông. Chợt lòng em cảm thấy nhớ nhà.

Dòng sông quê em thật êm đềm. Nơi đây đã gắn liền với những ký ức mùa hè của tuổi thơ . Em sẽ nhớ mãi về chuyến đi này, về quê hương và nhớ mãi dòng sông đã nuôi dưỡng tâm hồn con người miền Tây mộc mạc, chân chất.

 

Cô rất thích cái cách quan sát của con, phải có tâm hồn rất nhẹ nhàng, lãng mạn mới “cảm” được như thế!

Lời thầy dạy thưở ấy

Lời thầy dạy thưở ấy

Thầy dạy rằng trái tim không biết thứ tha là một trái tim đã chết, con người không biết tha thứ vẫn chỉ là gỗ đá mà thôi.

Gửi những người chèo đò mải miết giữa sông xưa.
Gửi thầy con, người mải miết chèo lái những dòng đời xuôi ngược…

Con còn nhớ rõ hình bóng thầy trên bục giảng năm ấy. Mái tóc pha hơi sương, chiếc cặp sách cũ, nụ cười hằn những vết chân chim đượm màu thời gian đã theo chúng con đi hết những năm tháng cuối của thưở học trò có lớn mà không có khôn…

Bụi phấn rơi rơi theo từng dòng thầy viết, rơi vào cả tâm hồn non nớt chúng con những bài học về cuộc đời.Thuở ấy, chúng con nào biết làm người phải có lấy một ước mơ, dù giản dị, nhỏ nhoi hay cao sang to lớn. Chiếc bảng đen, từng trang giấy trắng, những lời giảng dạy của Thầy chính là đoạn đường dài dẫn chúng con với những ước mơ đầu tiên ấy! 

Thưở ấy, chúng con nào biết cuộc đời chỉ có những bà tiên và ông bụt, rằng Lý Thông, mụ gì ghẻ, hay quỷ dữ chỉ có trong truyện mà thôi… Cuộc đời này vẫn luôn là bài một bài toán khó, mà đi hết cả quãng đường dài chúng ta mới nhận ra chẳng có lời giải nào tốt hơn ngoài hai từ “trải nghiệm”.

Thầy dạy rằng bước vào đời chúng con cần có một đôi mắt sáng và một trái tim biết yêu thương, để đối tốt với những người ngay và tránh xa những toan tính, bon chen của những kẻ độc ác.

Thưở ấy, chúng con nào biết “tha thứ” là một động từ đẹp nhất chỉ sau “yêu”. Thầy dạy chúng con đừng quay lưng với những người đã nhận lỗi, đừng mang ngõ cụt đến cho những người đã biết mình sai, đừng nhẫn tâm với những người đã biết quay lại… Thầy dạy rằng trái tim không biết thứ tha là một trái tim đã chết, con người không biết tha thứ vẫn chỉ là gỗ đá mà thôi.

Thưở ấy, chúng con nào biết cậu bạn kia lấm lem bùn đất chỉ vì giúp ba cày thêm ruộng lúa, đâu biết cô bạn thỉnh thoảng ngủ gật trong lớp kia tối qua thức khuya trông em cho mẹ ốm, đâu biết cậu bạn bên cạnh mình có người thân bệnh nặng nên bỏ học thường xuyên…

Chúng con vẫn chỉ là những đứa trẻ ngây thơ nhìn cuộc đời bằng một ánh nhìn như vốn dĩ, mà vô tình lãng quên đi đằng sau nó có thể là cả một câu chuyện dài.

Thầy dạy chúng con hãy biết để ý và chăm sóc đến những người xung quanh, hãy biết trân trọng những điều tưởng như rất bình thường nhưng vô cùng quý giá. Bởi có một ngày, yêu thương cũng có thể là quá muộn… khi mà hợt hời và vô tâm đã bỏ xa khoảng cách giữa những con người.

Thưở ấy, chúng con nào biết cuộc đời luôn là những vòng quanh. Những khúc gập, những quanh co, những thác ghềnh luôn là một phần không thể thiếu. Đừng mơ tưởng về cuộc đời là một đường thẳng… Nếu cuộc đời con không có những khúc ngoặt, hiển nhiên nó đã vô nghĩa đi rất nhiều rồi.

Thầy còn dạy chúng con phải biết ngẩng đầu trước thất bại, đừng dừng lại khi phía trước còn nhiều lắm những chông gai… Quá nửa cuộc đời con đã sống như lời thầy dạy, con lớn thêm một chút rồi, thầy ơi…

Dẫu đông dài, hạ trắng, nắng gắt hay mưa giông…

Những người chèo đò vẫn mải miết qua sông đưa khách…

Dẫu gió lạnh, đèn khuya, lưng áo mỏng…

Thầy tôi trăng hắt những đêm kia, vẫn mải miết chèo đời…

Nguời đàn ông vĩ đại nhất của tôi

Người đàn ông vĩ đại nhất của tôi

Kí ức của tôi về bài văn đầu tiên tôi tả về người tôi yêu nhất hồi còn lớp một “Bố em ban ngày làm việc vất vưởng, ban đêm bố em còn đi đánh tủm. Em thương bố em lắm”

Không phải là một anh hùng hay diễn viên nổi tiếng nào cả, ông chỉ là người đàn ông bình thường với cuộc đời bình thường như bao người khác…

Tôi cũng chỉ nhớ mang máng có ai đã từng nói “ngước nhìn cửa sổ xe bus làm người ta nghĩ đến chuyện đời nhiều hơn”.

Đối với một người thường đi lại bằng phương tiện ấy thì điều đó luôn đúng dù trong bất kể hoàn cảnh nào. Hôm nay cửa sổ xe bus làm tôi nhớ nhiều đến người ấy… Người đáng lẽ ra sẽ chẳng bao giờ có thể xa tôi nhưng lại bỏ đi không một lời từ biệt. Người đáng lẽ ra tôi sẽ phải trả rất nhiều cái nợ ân tình mà người ấy đã dành cho tôi trong suốt cả kí ức của cuộc đời. Trên xe bus, tôi bỗng nhiên nhớ lại nhiều kí ức: vui vẻ và u sầu….

Kí ức của tôi về một người đàn ông to cao, bế trên tay cô bé nhỏ nhắn và cười rạng rỡ đến rơi nước mắt khi tìm được cô gái nhỏ bị lạc. Đứa trẻ dù chưa đủ lớn nhưng vẫn cảm nhận được tình cảm mãnh liệt của ông- Người cha vĩ đại nhất trên đời. Người cha đó chưa từng nhỏ một giọt lệ rơi mà sao cô thấy khóe mắt ông còn ướt.

Kí ức của tôi về bài văn đầu tiên tôi tả về người tôi yêu nhất hồi còn lớp một “Bố em ban ngày làm việc vất vưởng, ban đêm bố em còn đi đánh tủm. Em thương bố em lắm”. Ông đọc xong, cười sằng sặc hôn lấy hôn để đứa con gái. Con bé ngây thơ viết còn sai chính tả- Vất vưởng của bé là vất vả, còn đánh tủm là đi đánh bài, thế mà không cần lời giải thích nào ông vẫn hiểu.

Kí ức của tôi về những mùa đông rét buốt, người đàn ông xoa tay cho tôi trong chăn, mùa đông lạnh, tay tôi còn lạnh hơn, ông cứ xoa cho ấm lại rồi dịu dàng nói:” Tay con sao lạnh thế, nhớ đeo thêm bao tay”.
Kí ức lại về những lần tôi bệnh, ông khám cho tôi, bắt tôi uống thuốc, thuốc đắng tôi không uống, mếu máo khóc. Ông dỗ dành:” Uống đi, bố có kẹo cho con ngậm này, uống ực một phát là hết đắng ngay, nếu đắng thì ngậm kẹo hết đắng”.

Nhớ những lần tôi đi học thêm, ông luôn chở tôi đi, đón tôi về bất kể nắng mưa. Học thêm không có thời gian về nhà, ông toàn chở tôi đi ăn. Nhớ có lần, gọi cho tôi ăn nửa con gà, tôi đưa cho ông cái đùi, ông lắc đầu nói: “Con ăn đi, ăn cho khoẻ mà còn học tiếp. Bố còn để bụng về ăn với mẹ”. Tôi biết ông yêu mẹ lắm và cũng yêu tôi vô cùng tận.

Thương tôi là thế, nhưng ông cũng là người nghiêm khắc. Và cũng chỉ đánh tôi hai lần trong suốt cuộc đời ông:

Lần đầu tiên do ham chơi điện tử bị ông bắt gặp, quất cho hai roi rồi bắt úp mặt vào tường không cho ăn cơm. Nói thế thôi nhưng ông vẫn để phần cơm cho tôi và không quên nhắc mẹ lấy dầu xoa cho tôi.

Ngày ông mất, tôi cũng không được cho hay. Mọi người nói bố tôi đang ở bệnh viện sức khỏe yếu, còn tôi cứ lạy trời lạy phật giúp bố qua khỏi, nếu cho tôi giảm chục năm tuổi thọ tôi cũng cam lòng mà trời không nghe, không ai nghe lời tôi nói cả. Tôi khóc nhiều vì ông thật độc ác, bỏ tôi đi khi tôi chưa làm gì được cho ông. Nếu ông còn sống thì bây giờ sẽ hạnh phúc hơn không?

Tôi muốn ông quay lại, ngay lúc này, ngay bây giờ để nghe tôi kể chuyện, chuyện trên lớp, ở trường hay những điều tôi thường giấu.

Tôi muốn ông quay lại để khi đi lên xe bus, khi chỉ còn một chiếc ghế, tôi sẽ mời ông ngồi còn tôi sẽ rất vui vẻ mà được đứng.

Tôi muốn ông quay lại để thưởng thức tài nấu ăn của tôi. Con gái bố đã hết vụng rồi còn biết nấu ăn nữa đấy. Chắc lúc ấy ông sẽ vui lắm lắm.

Tôi muốn ông quay lại để tôi được đấm bóp, được nhổ tóc bạc cho. Chẳng phải bố vẫn thích thú gọi con để nhổ tóc bạc cho bố hay sao?

Tôi muốn ông quay lại để gom hết tiền lì xì tết cho ông đánh bài. Bố vẫn nhớ luôn trả tiền lãi cho con khi bố đánh thắng và tặng con vài cái bánh cốm khi con ngồi bên đúng không?

Tôi muốn ông quay lại để được nhường đồ ăn ngon nhất cho ông, để mua đồ cho ông mặc, để được ông chở đi chơi sau mỗi cuối tuần…

Và tôi muốn ông quay lại để được tự hào thốt lên: Vâng, đây là bố tôi đấy, người đàn ông tuyệt vời nhất trên đời, người luôn dành cả cuộc đời để cho chúng tôi!

Điều cuối cùng khi ông quay lại, tôi sẽ nói với ông rằng: Bố ơi, con yêu bố nhất ♥

 

Sưu tầm

Lớn rồi con mới hiểu

Lớn rồi con mới hiểu

Con khóc. Và con nghĩ về mẹ. Từ khi con hiểu được
8-3 là gì? Con đã làm được những gì cho mẹ.
– Ngày cấp 1 con xin mẹ 2.000 đồng để đóng tiền mua hoa cho cô giáo chủ nhiệm. Đi học về thấy mẹ đang bán những tạ than đen nhẻm, cái cân phải luồn đòn gánh vào vì chưa có cân bàn… vai phải mẹ thường đau mỗi tối.
– Ngày cấp 2 con xin mẹ 10.000 đồng để ngoài tiền mua hoa cho cô, còn mua thiếp từ 7/3 hí hoáy cả đêm tô vẽ, tặng những người bạn con yêu thương. Mẹ nằm trên giường vắt tay lên trán: “Tháng này bố mày chắc không được nghỉ phép”…
– Ngày cấp 3 con xin mẹ 50.000 đồng, để cùng các bạn trong lớp cắm trại và liên hoan tới tối muộn mới về. Mẹ đã lau sạch sẽ nhà cửa, mâm cơm tối vẫn còn để gọn gàng thức ăn cho riêng con. 2 thằng em chành chọe nhau mệt rồi lại ôm nhau ngủ..
– Đại học. Con là cán bộ lớp, con chúc mừng nhiều người lắm, bạn bè, cô giáo, những cô bác con quen…những ngôn từ dí dỏm và đặc biệt dành riêng từng người. Mẹ điện thoại lên và nói những điều như ngày nào cũng điện để nói: “Đi ngủ nhớ mắc màn, tối nhớ cài cửa thật kỹ, ngủ sớm đi”.

Con chưa bao giờ nói được một câu chúc mẹ.

Nhưng… mẹ biết không, con luôn nghĩ tới mẹ đầu tiên. Con luôn thế. Ngày bé, có lần con làm tặng mẹ bài thơ nhưng không dám đưa, có lần mua hoa tặng mẹ rồi lại đưa cho đứa bạn về… cắm. Có lẽ do mình ở quê mẹ nhỉ? Ở quê những bà mẹ đầu tắt mặt tối, chẳng chồng con nào tổ chức ngày của mẹ, ở quê… khi mà 1 người con nói ra từ: Con cảm ơn mẹ, con yêu mẹ là điều không tưởng… những đứa trẻ chỉ biết khóc khi mẹ ốm, chỉ biết làm giúp mẹ khi mẹ đau, và chỉ biết chịu những trận đòn đôi khi oan uổng vì mẹ đang quá mệt mỏi khi có điều gì tệ hại lắm xảy ra…
Con lên thành phố- Con gặp những người đàn bà ngang tuổi mẹ. Họ mặc váy và đi dép cao. Họ bước những bước đi uốn dẻo nhẹ nhàng lịch lãm, không vội vã, tất bật như mẹ. 8h tối họ trang điểm và đi cafe, mẹ cơm nước, giặt giũ và mắc màn cho chúng con ngủ.
– Con gặp những người đàn bà ngang tuổi mẹ. Họ nói về mooda, về khiêu vũ, về những chuyến công tác đi mệt lử nhưng biết nơi này, nơi kia, biết món này món kia. Còn mẹ của con, khi con điện thoải về hỏi: Mẹ ơi con ghẹ là con gì mẹ nhỉ? có người nói với con là con ghẹ ăn ngon. Mẹ trả lời: “Mẹ cũng không rõ lắm, hình như nó giống con hến, con ngao”… Và khi con được biết về con ghẹ. Con khóc.
– Con gặp những người đàn bà ngang tuổi mẹ. Chồng họ chở đi siêu thị mỗi tuần, và đi mua cho những bộ quần áo đẹp. Vậy mà những lúc chán chồng, họ đi ra phố phường với đám bạn, và vào vũ trường, vào cafe. Còn mẹ, mẹ khóc mỗi khi bố làm mẹ buồn. Và mẹ nói với chúng con: “Chỉ mẹ được nói bố, chúng mày là con dù bố mẹ có sai đến thế nào cũng không có quyền nói… “.
Mẹ của con. Lúc này con nhớ về tuổi thơ con. Quãng đời con trải qua bên mẹ. Chúng con luôn có mẹ ở bên. Và bố cũng thế, bố gọi điện thoại mỗi ngày mẹ nhỉ, và bố gặp lần lượt từ mẹ tới 3 đứa con… Bố mỗi tháng về 1 lần. Chúng con lớn lên, đứa nào cũng sáng sủa khôn ngoan, ai cũng khen mẹ thật giỏi, bố thật may vì có mẹ…
Bố con cũng là một người đàn ông tuyệt vời phải không mẹ. Dẫu đôi lúc bố làm mẹ buồn, nhưng con người có ai hoàn hảo đâu? con cũng thấy xấu hổ lắm, khi con, khi em con, chẳng ngoan như những gì mẹ đã chờ mong.
Mẹ. Mẹ ngủ đi, đừng thức nữa, sao giấc ngủ mẹ chẳng sâu thế. Sao sau 1 đêm mắt mẹ càng quầng? Sao mẹ hay ốm đau?
Mẹ. Con yêu mẹ. Con yêu mẹ. Và con sẽ sống thật tốt như những gì bà ngoại đã dạy mẹ để mẹ dạy con. “Sống không quỵ lụy ai, không hài lòng và không giả dối”.
Con đã lớn khôn, con đã trưởng thành, nhưng những tối rúc đầu vào nách mẹ mà ngủ vùi, tới sáng vẫn dang chân tay trên giường ngon giấc… còn mẹ đã nấu xong bữa sáng. Con bỗng thấy mình như một công chúa nhỏ, thấy con là người hạnh phúc nhất thế gian, vì tất cả những gì bố mẹ dành cho chị em con, là những điều con không mong gì hơn thế nữa. Đêm nay con chúc mẹ ngủ ngon, và bố ở nơi xa sẽ luôn mơ về mẹ!

 

Sưu tầm

Bát cháo của bà nội

Hôm nay con nấu bát cháo đường. Chẳng hiểu sao bưng bát cháo lên, ăn được một miếng mà con không thể nào cẩm nổi nước mắt. Bát cháo đường không phải không ngon, không phải khó nuốt mà nó làm con nhớ đến bà.
Con nhớ những ngày này của 3 năm về trước, mỗi buổi trưa con đi học về, đói, mệt chưa có gì ăn bà lại cho con bát cháo đường bà đã nấu từ sáng. Bát cháo đặc quánh, sánh ngọt mát và mặc dù đã nguội ngắc nhưng mùi thơm của gạo nếp quện với đường khiến dạ dày con sôi sùng sục khi ngửi thấy. Lần nào cũng vậy, bà múc cháo vào chiếc bát nhỏ xíu, cháo ít con chỉ húp hai lần là hết sạch. Nhưng con vẫn thích lắm. Bát cháo của bà có vị đặc biệt mà chưa ai có thể nấu được như thế bà ạ. Không quá nhão, không nhiều nước, nhưng cũng không quá sệt. Cháo bà nấu mang vị ngọt ngào của yêu thương, đây cũng là vị làm con nhớ nhất, làm con cảm thấy ấm áp nhất nhưng lại là điều làm con ân hận nhất. Con ân hận vì con nhận ra những yêu thương của bà quá muộn.

Ngày bà còn sống con chỉ biết ăn cháo bà nấu mà chưa có một lời cảm ơn đến bà. Con chỉ biết ăn cháo ngon lành, biết quên đi cái đói mà không biết cả sáng bà hì hục bên bếp nấu cho con ăn.

Con chỉ biết than phiền, chê oải chê oai khi không may trong bát cháo có lẫn ít tro bếp mà không biết rằng bà đã đỏ sọng hai mắt vì khói, vì bụi.

Con chỉ biết ăn cháo thật nhiều như nó là sở thích của mình mà không biết bà đã phải ăn ít đi mỗi lần nấu để cho con.

Con chỉ biết ăn cháo bà nấu khi bà còn khỏe mà chưa một lần nấu cho bà bát cháo nào khi bà ốm nằm đấy.

Con chỉ biết ăn thột ngon, thật lo và đến trường với niềm vui của con mà không dành nhiều thời gian hơn nữa bên bà khi bà bệnh nặng.

Để rồi…

Con khóc thật nhiều khi bà ra đi.

Con ngất đi và chỉ muốn kéo cỗ xe đò lại khi mọi người tiễn đưa bà.

Con bất lực khi nhòa qua những giọt nước mắt, họ đắp đất, chôn cất bà nơi đồng hoang.

Con ân hận thật nhiều khi nhận ra con đã bỏ qua bao yêu thương của bà.

Con giận mình khi đã vô tâm mà sống quên rằng con có bà nội lúc nào cũng đầy ắp quan tâm dành nơi con.

Mất bà rồi con mới biết con đã nghiện bát cháo đường ấy như thế nào. Mất bà con mới biết con cần có sự quan tâm, dạy dỗ của bà biết bao nhiêu. Mất bà con mới biết con đã mất ngàn vạn yêu thương mà không bao giờ con lấy lại được.

Con vẫn biết chẳng bao giờ con được ăn bát cháo mang hương vị đặc biệt ấy nữa. Nhưng con biết yêu thương của bà vẫn còn bên con, đi cùng con trên mọi nẻo đường đời. Bên thế giới khác, bà vẫn dõi theo con bằng ánh mắt trìu mến bà nhỉ. Con sẽ cố gắng học tập và sống tốt để xứng đáng với những mong mỏi của bà. Và con sẽ nhớ mãi bát cháo ấy, ‘bát cháo yêu thương của bà’.

Túi gạo

Cái nghèo cái đói thường trực trong ngôi nhà nhỏ này, nhưng dường như, nỗi cơ cực bần hàn ấy không buông tha họ. Cậu con trai bắt đầu cắp sách đến trường cũng là lúc nỗi mất mát lớn bỗng nhiên đổ ập xuống đầu họ. Cha qua đời vì cơn bạo bệnh. Hai mẹ con tự tay mình mai táng cho người chồng, người cha vắn số.

Người mẹ góa bụa ở vậy, chị quyết không đi bước nữa. Chị biết, bây giờ chị là chỗ dựa duy nhất cho con trai mình. Chị cặm cụi, chăm chỉ gieo trồng trên thửa ruộng chật hẹp, tài sản quý giá nhất của hai mẹ con chị. Ngày qua ngày, năm nối năm, những tấm giấy khen của cậu con trai hiếu học dán kín cả bức tường vôi nham nhở. Nhìn con trai ngày một lớn lên, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, nước mắt bỗng lăn trên gò má chị.

Học hết cấp hai, cậu thi đậu vào trường cấp ba trọng điểm của thành phố. Gánh nặng lại oằn lên vai người mẹ. Thế nhưng không may thay, khi giấy báo trúng tuyển về đến tay cậu cũng là lúc mẹ cậu ngã bệnh. Căn bệnh quái ác làm chị liệt nửa chi dưới. Vốn là lao động chính của gia đình, giờ chị chẳng thể đi lại bình thường như xưa nữa nói chi đến chuyện làm nông. Cậu bé vốn hiểu chuyện, thương mẹ vất vả, cậu xin nghỉ học:

– Mẹ này, con nghỉ học thôi, ở nhà làm ruộng thay mẹ. Đi học, tiền đâu mà đóng học phí, tiền sinh hoạt phí, lại còn một tháng nộp 15 cân gạo nữa, nhà mình biết lấy đâu ra.

– Có thế nào con cũng không được bỏ học. Con là niềm tự hào của mẹ. Chỉ cần con chăm chỉ học hành, còn những việc khác, con không phải bận tâm.

Hai mẹ con tranh luận rất lâu, cậu kiên quyết không đi học nữa vì không muốn mẹ mình khổ. Cậu trở nên ngang bướng và lì lợm. Phải đến khi nóng nảy quá không kiềm chế được, mẹ cậu giơ tay tát cậu một cái vào má, cậu mới sững người lại. Đây là cái tát đầu tiên trong đời cậu con trai mười sáu tuổi. Mẹ cậu ngồi thụp xuống đất và khóc nức nở…

Nghe mẹ, cậu khăn gói vào trường nhập học. Lòng cậu nặng trĩu. Người mẹ đứng lặng hồi lâu, nhìn bóng con trai khuất dần…

Ít lâu sau, có một người mẹ lặc lè vác bao tải dứa, chân thấp chân cao đến phòng giáo vụ. Chị nộp gạo cho con trai. Chị là người đến muộn nhất. Đặt bao gạo xuống đất, chị đứng thở hổn hển một hồi lâu rồi nem nép đi vào.

Thầy Hùng phòng giáo vụ nhìn chị, nói:

-Chị đặt lên cân đi. Mở túi gạo ra cho tôi kiểm tra.

Chị cẩn thận tháo túi.

Liếc qua túi gạo, hàng lông mày của thầy khẽ cau lại, giọng lạnh băng:

-Thật chẳng biết nên nói thế nào. Tôi không hiểu sao các vị phụ huynh cứ thích mua thứ gạo rẻ tiền đến thế cho con mình ăn. Đấy, chị xem. Gạo của chị lẫn lộn đủ thứ, vừa có gạo trắng vừa có gạo lức lẫn gạo mốc xanh đỏ, cả cám gạo nữa, đây còn có cả ngô nữa… Thử hỏi, gạo thế này, chúng tôi làm sao mà nấu cho các em ăn được. Thầy vừa nói vừa lắc đầu.

– Nhận vào.

Thầy nói, không ngẩng đầu lên, đánh dấu vào bảng tên của học sinh.

Mặt người mẹ đỏ ửng lên. Chị khẽ khàng đến bên thầy nói:

-Tôi có 50.000 đồng, thầy có thể bổ sung vào thêm cho cháu để phụ tiền sinh hoạt phí được không thưa thầy?

-Thôi, chị cầm lấy để đi đường uống nước.

Thầy nói và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn người phụ nữ tội nghiệp đang loay hoay, khổ sở, mặt đỏ ửng lên, chân tay thừa thải vì chẳng biết làm thế nào. Chị chào thầy rồi lại bước thấp bước cao ra về.

~*~

Đầu tháng sau, chị lại đến nộp gạo cho con trai. Thầy lại mở túi gạo ra kiểm tra rồi lại cau mày, lắc đầu. Thầy có vẻ lạnh lùng, ác cảm:

– Chị lại nộp loại gạo như thế này sao? Tôi đã nói phụ huynh nộp gạo gì, chúng tôi cũng nhận, nhưng làm ơn phân loại ra, đừng trộn chung như thế này. Chúng tôi làm sao mà nấu cơm cho ngon để các em ăn được? Chị nghĩ thử xem, với loại gạo hổ lốn thế này, liệu chúng tôi có thể nấu cơm chín được không? Phụ huynh như các chị không thấy thương con mình sao?

– Thầy thông cảm. Thầy nhận cho, ruộng nhà tôi trồng được chỉ có thế ! Người phụ nữ bối rối.

– Thật buồn cười cái nhà chị này ! Một mảnh ruộng nhà chị có thể trồng đến hàng trăm thứ lúa thế sao? Nhận vào ! Giọng thầy gằn từng tiếng và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn chị.

Người mẹ im bặt, mặt chị trở nên trắng bệch, nhợt nhạt. Chị lí nhí cảm ơn thầy rồi lại lặng lẽ bước thấp, bước cao ra về. Dáng chị liêu xiêu, đổ vẹo trong cái nắng trưa hầm hập như đổ lửa.

~*~

Lại sang đầu tháng thứ ba của kỳ nộp gạo. Chị lại đến. Vẫn dáng đi xiêu vẹo, mồ hôi mướt mải trên trán, ướt đẫm lưng áo của người mẹ trẻ. Bao gạo nặng dường như quá sức với chị.

Thầy lại đích thân mở túi gạo ra kiểm tra. Lần này, nét giận dữ in hằn trên mặt thầy. Thầy rành rọt từng tiếng một như nhắc để người phụ nữ ấy nhớ:

– Tôi đã nói với chị thế nào. Lần này tôi quyết không nhân nhượng chị nữa. Chị làm mẹ mà sao ngoan cố không thay đổi thế này. Chị mang về đi. Tôi không nhận !

Người mẹ thả phịch bao gạo xuống đất. Dường như bao nỗi ấm ức, đau khổ và bất lực bị dồn nén bao ngày đột nhiên bừng phát. Chị khóc. Hai hàng nước mắt nóng hổi, chan chứa trên gương mặt sớm hằn lên nét cam chịu và cùng quẫn. Có lẽ, chị khóc vì tủi thân và xấu hổ. Khóc vì lực bất tòng tâm.

Thầy Hùng kinh ngạc, không hiểu đã nói gì quá lời khiến cho người phụ nữ trẻ khóc tấm tức đến thế.
Chị kéo ống quần lên để lộ ra đôi chân dị dạng. Một bên chân quắt queo lại.

– Thưa với thầy, gạo này là do tôi… Tôi đi ăn xin, gom góp lại bao ngày mới có được. Chẳng giấu gì thầy, chân cẳng tôi thế này, tôi làm ruộng thế nào được nữa. Cháu nó sớm hiểu chuyện, đòi bỏ học ở nhà giúp mẹ làm ruộng. Thế nhưng tôi kiên quyết không cho, kiên quyết không để con tôi thất học. Có học mới mong thoát khỏi cảnh cơ cực này. Nhà chỉ có hai mẹ con, cha cháu mất sớm… Thầy thương tình, thầy nhận giúp cho. Không nộp gạo, con tôi thất học mất !

Người mẹ trẻ này đều đặn ngày nào cũng thế. Trời còn tờ mờ, khi xóm làng còn chưa thức giấc, chị lặng lẽ chống gậy, lê mình rời khỏi thôn. Chị đi khắp hang cùng,ngõ hẻm xóm khác xin gạo. Đi mãi đến tối mịt mới âm thầm trở về. Chị không muốn cho mọi người trong thôn biết.

Lần này người bị xúc động mạnh lại là thầy Hùng. Thầy đứng lặng hồi lâu rôi nhẹ nhàng đỡ chị đứng lên. Giọng thầy nhỏ nhẹ :

– Chị đứng lên đi, người mẹ trẻ ! Chị làm tôi thực sự bất ngờ. Tôi đã có lời không phải với chị. Thôi thế này, tôi nhận. Tôi sẽ thông báo với trường về hoàn cảnh của em học sinh này, để trường có chế độ học bổng hỗ trợ cho học sinh vượt khó.

Người mẹ trẻ đột nhiên trở nên cuống quýt và hoảng hốt. Chị gần như chắp tay lạy thầy. Giọng chị van lơn:

– Xin thầy. Tôi có thể lo cho cháu, dù không đủ đầy như các bạn nhưng tôi lo được. Khổ mấy, vất vả mấy tôi cũng chịu được. Chỉ xin thầy đừng cho cháu hay chuyện này. Đây là bí mật của tôi, mong thầy giữ kín giùm cho.

Chị kính cẩn cúi đầu chào thầy như người mà chị mang một hàm ơn lớn, đưa tay quệt mắt rồi lại nặng nhọc, liêu xiêu ra về.

Lòng thầy xót xa.

Thầy Hùng đem câu chuyện cảm động này báo với hiệu trưởng. Ban giám hiệu trường giữ bí mật này tuyệt đối. Nhà trường miễn phí toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho cậu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này. Ngoài ra,học lực của cậu rất khá, đủ tiêu chuẩn nhận được học bổng của trường.

Cuối cấp, cậu dẫn đầu trong danh sách những học sinh xuất sắc của trường. Cậu thi đậu vào trường đại học danh tiếng nhất của Thủ Đô. Trong buổi lễ vinh danh những học sinh ưu tú, khi tên cậu được xướng lên đầu tiên, mẹ cậu lặng lẽ đứng ở một góc khuất, mỉm cười sung sướng.

Có một điều rất lạ rằng trên sân khấu hôm ấy, có ba bao tải dứa sù sì được đặt trang trọng ở một góc phía ngoài cùng, nơi mọi người có thể dể dàng nhìn thấy nhất. Ai cũng thắc mắc,không hiểu bên trong ấy chứa thứ gì.

Trong buổi lễ trang nghiêm ấy, thầy hiệu trưởng rất xúc động và kể lại câu chuyện người mẹ trẻ đi ăn xin nuôi con học thành tài.
Cả trường lặng đi vì xúc động. Thầy hiệu trưởng ra dấu cho thầy Hùng phòng giáo vụ đến mở ba bao tải ấy ra. Đó là ba bao gạo mà người mẹ với đôi chân tật nguyền lặn lội khắp nơi xin về.

Thầy nói:

– Đây là những hạt gạo mang nặng mồ hôi và nặng tình của người mẹ yêu con hết mực. Những hạt gạo đáng quý này, tiền, vàng cũng không thể mua nổi. Sau đây, chúng tôi kính mời người mẹ vĩ đại ấy lên sân khấu.

Cả trường lại một lần nữa lặng người đi vì kinh ngạc. Cả trường dồn mắt về phía người phụ nữ chân chất, quê mùa đang được thầy Hùng dìu từng bước khó nhọc bước lên sân khấu.

Cậu con trai cũng quay đầu nhìn lại. Cậu há hốc miệng kinh ngạc. Cậu không thể ngờ rằng người mẹ vĩ đại ấy không ai khác chính là người mẹ thân yêu của cậu.

– Chúng tôi biết, kể ra câu chuyện này sẽ khiến cậu học sinh ưu tú nhất trường bị chấn động rất mạnh về tâm lý. Thế nhưng, chúng tôi cũng mạn phép được nói ra vì đó là tấm gương sáng, tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ. Điều đó hết sức đáng quý và đáng được trân trọng vô cùng. Chúng tôi muốn thông qua câu chuyện cảm động này, giáo dục các em học sinh thân yêu của chúng ta về đạo đức và lối sống, về tình người và những nghĩa cử cao đẹp. Hôm nay, một lần nữa chúng ta vinh danh những người cha, người mẹ đã cống hiến, hy sinh cả đời mình vì tương lai con em…

Giọng thầy hiệu trưởng đều đều, ấm áp và hết sức xúc động. Tai cậu ù đi, cậu chẳng nghe thấy gì nữa cả,mắt cậu nhòe nước. Mẹ cậu đứng đó, gầy gò, khắc khổ, mái tóc đã sớm điểm bạc, mắt bà cũng chan chứa niềm hạnh phúc và ánh mắt ấm áp, yêu thương ấy đang hướng về phía cậu với cái nhìn trìu mến.

Người phụ nữ ấy run run vì chưa bao giờ đứng trước đám đông. Run run vì những lời tốt đẹp mà thầy hiệu trưởng đã giành cho mình. Với chị, đơn giản, tất cả chỉ xuất phát từ tình yêu bao la mà chị giành cho con trai. Chị không nghĩ được thế nào là sự hy sinh hay đạo lý lớn lao ấy.
Cậu con trai cao lớn đứng vụt dậy, chạy lên ôm chầm lấy mẹ mà mếu máo khóc thành tiếng:

– Mẹ ơi ! Mẹ của con…

 

Sưu tầm

Tư liệu: Trạng Nguyên Việt Nam qua các thời đại

Để có tư liệu tốt khi làm văn và kể chuyện, chúng ta nên tìm hiểu về những nhân vật lịch sử có thật và đáng tự hào của Dân tộc, các em hãy tham khảo danh sách các vị trạng nguyên đụơc lưu danh thiên sử và ghi tên vào bia tiến sĩ trong Văn Miếu Quốc Tử Giám sau:

 

1) Lê Văn Thịnh (1038- ?)
Người làng Đông Cứu , huyện Yên Định, Bắc Giang . Đỗ Trạng nguyên khoa thi Ất Mão niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075), đời Lý Nhân Tông. Làm một người văn võ song toàn. Có công to trong cuộc thương lượng ở đất Vĩnh Bình( thuộc châu Ung sát huyện Quang Lang, tỉnh Cao Băn`g thời Lý ) năm 1084. Vì có công nên được thăng chức thái sự
2) Mạc Hiển Tích ( ? – ? )
Người làng Long Động, huyện Chí Linh ( Nay là Hải Hưng ). Đỗ TRạng nguyên khoa Bính Dần niên hiệu Quảng Hựu thứ 2 (1086), đời Lý Nhân Tông. Làm quan Hàn lâm Học sĩ rồi thăng lên đến Thượng thư ( Mạc Đỉnh Chi là cháu 5 đời của ông).

3) Bùi Quốc Khái ( ? – ? )
Người làng Bình Lãng, phủ Thượng Hồng ( Nay là huyện Cẩm Bình, Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Ất Tỵ niên hiệu Trịng Phù thứ 10 (1185), đời Lý Cao Tông. Ông đỗ cao và được nhận chức Nhập thị Kinh diên ( dậy Thái tử và hâù vua học )

4) Nguyễn Công Bình ( ? – ? )
Người đất Yên Lạc, phủ Tam Đới ( Vĩnh Phú ngày nay ). Đỗ Trạng nguyên khoa Quý Dậu niên hiệu Kiến Gia thứ 3 (1213), đời Lý Huệ Tông. Làm quan đến Hàn lâm Học sĩ .

5) Trương Hanh ( ? – ? )
Người làng Mạnh Tân ( Yên Tân ), huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng , Hải Dương (huyện Tứ Lộc, Hải Hưng ngày nay ). Đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Kiên Trung thứ 8(1232), đời Trần Thái Tông . Làm quan đến Thị lang, Hàn lâm Học sĩ .

6) Nguyễn Quan Quang ( ? – ? )
Người xã Tam sơn, huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc( huyện Tiên Sơn , Hà Bắc ngày nay ). Đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Ngọ(1234). Làm quan đến chức Bộc xạ, tặng hàm Đại Tư không .

7) Lưu Miễn ( ? – ? )
Còn có tên Lưu Miện, không rõ quê quán. Đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Hợi niên hiệu Thiên Ứng – Chính Bình thứ 8 (1239), đơì Trần Thái Tông. Làm quan tới chức Hàn lâm Thị độc .

8) Nguyễn Hiền ( 1234 – ? )
Người xã Dương A, huyện Thượng Hiên` , sau đổi là Thượng Nguyên ( nay là huyện Nam Ninh, Hà Nam Ninh ). Đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Muì , niên hiệu Thiên Ứng-Chính Bình thứ 16( 1247), đời Trần Thái Tông. Khi ấy ông mới 13 tuổi, vì còn thiếu niên vua cho về quê 3 năm tu dưỡng . Làm quan đến chức Thượng thư bộ Công. Về hưu, mất tại nhà. Có đi sứ Nguyên vài lân` .

9) Trần Quốc Lặc ( ? – ? )
Người làng Uông Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Thượng Hồng ( nay là huyện Nam Thanh , Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn niên hiệu Nguyên Phong thứ 6 (1256), đời Trần Thái Tông. Làm quan đến Thượng thự Sau khi mất, vua phong làm Phúc thân`, hiệu là Mạnh Đạo Đại Vương .

10) Trương Xán ( ? – ? )
Người xã Hoành Bồ, huyện Quảng Trạch , châu Bố Chính ( nay thuộc tỉnh Bình Trị Thiên ). Đỗ Trại Trạng nguyên, cùng khoa với kinh Trạng nguyên Trần Quốc Lặc năm 1256, đời Trần Thái Tông. ( Thời Trần nếu ai quê từ Ninh Bình trở ra đỗ Trạng nguyên thì gọi là Kinh Trạng nguyên, còn từ Thanh Hoá trở vào gọi là Trại). Về tri thức đều phải giỏi như nhau .

11) Trần Cố ( ? – ? )
Người xã Phạm Triền , huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng ( nay thuộc huyện Ninh Khanh, Hải Hưng ). Đỗ Kinh Trạng nguyênkhoa Bính Dần niên hiệu Thiệu Longthứ 9 (1266), đời Trần Thánh Tông. Làm quan đến Hiến sát sứ .

12) Bạch Liêu ( ? – ? )
Người xã Nguyên Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu( nay thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh ). Đỗ Trại Trạng nguyên cùng khoa với Kinh Trạng nguyên Trần Cố khoa Bính Dần. Sau khi qua đời được vua phong cho làm Phúc thần, hiệu là Đương Cảnh thành hoàng Đại Vương.

13) Lý Đạo Tái ( 1254 – 1334 )
Người làng Vạn Tải, huyện Gia Định xứ Kinh Bắc ( nay là huyện Thuận Than`h , Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tý, niên hiệu Nguyên Phong thứ 2 ( 1252 ), đời Trần Thái Tông. Làm quan ở Đông các Viện Hàn lâm, có đi sứ Trung Quốc. Về sau , ông bỏ quan đi tu ở chuà Quỳnh Lâm ( Hải Dương cũ ), được sư pháp Loa và Trần Nhân Tông ( tổ thứ nhất ) rất trọng . Năm 1317, Pháp Loa ( vị tổ thứ 2) đem y bát của Điêu ngự giác hoan`g ( tổ thứ nhất ) truyền cho . Sau khi được truyền Y bát, Đạo Tái lên tu ở núi Yên Tử làm vị tổ thứ 3 của phái Phật Trúc Lâm, với đạo hiệu Huyền Quang Tôn Giả . Huyền Quang giỏi thơ văn. Hiện còn tác phẩm ” Trần triều thế phả hành trạng ”

14) Đào Thúc ( ? – ? )
Người xã Phủ Lý, huyện Đông Sơn ( nay thuộc tỉnh Thanh Hoá ). Đỗ Trạng nguyên khoa Ất Hợi, niên hiệu Bảo Phù thứ 3 (1275), đời Trần Thánh Tông . Không rõ ông làm quan đến chức gì. Chỉ biết sau khi chết ông được phong Phúc thân` tại địa phương .

15) Mạc Đỉnh Chi ( 1272 – 1346 )
Có tên tự 9 tên chữ ) là Tiết Phu, người làng Lũng Động. Đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), đời Trần Anh Tông. Làm quan đến Tả bộc xạ ( tức Thượng thư ), đi sứ nhà nguyên 2 lần. Thân hình xấu xí, tính giản dị thanh liêm, minh mẫn , đối đáp nhanh . Khi vào thi Đình, vua thấy ông quái dị , tỏ ý không hài lòng. Ông liền làm bài ” Ngọc tỉnh liên phú ” ( bài phú hoa sen trong giếng ngọc ) để tỏ chí mình. ” Ngọc tỉnh liên phú “, thơ và câu đối cu/a ông vẫn còn truyền tới ngày nay trong sách “Việt âm thi tập” và ” Toàn Việt thi lục “.

16) Đào Sư Tích ( ? – ? )
Người làng Cổ Lễ, huyện Nam Chân , sau đổi là huyện Nam Trực, phủ Thiên Trường ( nay thuộc huyện Nam Ninh , Hà Nam Ninh ). Đỗ trạng nguyên khoa Giáp Dần niên hiệu Long Khánh thứ 2 (1374), đời Trần Duệ Tông. Làm quan Tả tư lang trung, Nhập nội Hà khiển Han`h khiển . Vua sai ông chép sách ” Bảo hoà điện dư bút “. Thời Hồ Quý Ly, bị giáng xuống Trung tư thị lang, Tri thẩm hình viện sự. Sau khi qua đời dân làng Cổ Lễ thờ ông làm Than`h hoan`g, được nhiều triều đại vua chúa ban sắc cho làm Thượng đẳng thân`.

17) Lưu Thúc Kiệm ( ? – ? )
Người làng Trạm Lệ, huyện Gia Bình, phủ Thuận Am, xứ Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Gia Lương, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Canh Thìn niên hiệu Thánh nguyên thứ nhất (1400), đời Hồ Quý Lỵ Làm quan đến Hàn Lâm trực học sĩ. Ông giỏi văn từ biện bạch nên Hồ Quý Ly giao cho thảo các văn từ bang giao với các nước láng giềng. Ông là bạn cùng khoa với nhiều người nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên … Họ đều phục tài năng mẫn cán và đức tính liêm khiết của ông.

18) Nguyễn Trực ( 1417 – 1474 )
Có tên chữ là Công Dĩnh, tên hiệu là Hu Liêu, người làng Bối Khê, huyện Ứng Thiên, trấn Sơn Nam ( nay thuộc huyện Thanh Oai , Hà Sơn Bình ). Đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3(1442), đời Lê Thái Tông. Làm quan đến Hàn lâm viện Thị giảng, đi sứ nha Minh gặp khi thi hội, ứng chế ông lại đỗ đầụ Người đương thời gọi ông là Lưỡng quốc Trạng nguyên- Trạng nguyên hai nước . Hiện còn 3 tác phẩm : Bảo anh lương phương ( y học ), Hu Liêu tập (văn), và Ngu nhàm (văn).

19) Nguyễn Nghiêu Tư ( ? – ? )
Có tên hiệu là Tùng Khê, thuở nhỏ còn có tên tục là Lợn vì đẻ tháng Hợi, người xã Phú Lương , huyện Võ Giàng , phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Quế Võ, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hoà thứ 6 (1448), đời Lê Nhân Tông. Làm quan An phủ sứ, Hàn lâm trực học sĩ. Đi sứ nhà Minh rồi được thăng lên Lại bộ Thượng thư .

20) Lương Thế Vinh (1441 – ? )
Có tên chữ là Cảnh Nghị , hiệu là Thụy Hiên, người làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam Hạ ( nay là huyện Vụ bản, Hà Nam Ninh ). Đỗ Trạng nguyên khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463), đời LêThánh Tông. Làm quan các chức: Trực học sĩ viện Hàn lâm, Thị thư, Chưởng viện sự. Ông chẳng những giỏi văn còn giỏi toán nên người đương thời gọi ông là Trạng Lường .

21) Vũ Kiệt ( ? – ? )
Người xã Yên Việt, huyện Siêu Loại, Kinh Bắc ( nay là huyện Thuận Thành , Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Quý Tỵ, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1473), đời Lê Thánh Tông. Làm quan đến Tả thị lang kiêm Đông các hiệu thư .

22) Vũ Tuấn Thiều ( 1425 – ? )
Người làng Nhật Thiều, huyện Quảng Đức, phủ Trung Đô ( Nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội ). Đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi , niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475), đời Lê Thánh Tông. Làm quan đến Lại bộ Tả thị lang.

23) Phạm Đôn Lễ ( 1454 – ? )
Người làng Hải Triều , huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng, trấn Sơn Nam Hạ ( nay thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình ). Đỗ Trạng nguyên khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481), đời Lê Thánh Tông. Làm quan đến Thị lang, Thượng thự Ông là tổ sư nghề dệt chiếu cói Hới nổi tiếng của tỉnh Thái Bình .

24) Nguyễn Quang Bật ( 1463 – 1505 )
Người làng Bình Ngô, huyện Gia Bình, phủ Thuận An, Kinh Bắc ( Nay là huyện Gia Lương, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484), đời Lê Thánh Tông. Làm quan Hàn lâm Hiệu lý. Ông là thành viên nhóm Tao Đàn nhị thập bát tú. Vì trái ý của LêUy Mục nên bị giáng xuống Thưà Tuyên, Quảng Nam. Vua sai người mật dìm chết ở sông Phúc Giang. Tương Dực Đế biết ông chết oan, bèn truy phong tước Bá , và tặng lá cờ thêu 3 chữ” Trung Trạng Nguyên “. Vua còn cho dân địa phương lập miếu thờ làm thành hoàng .

25) Trần Sùng Dĩnh ( 1465 – ? )
Người làng Đông Khê, huyện Thanh Lâm, phủ Thượng Hồng ( Nay là huyện Thanh Hà, Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Mùiniên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487), đời Lê Thánh Tông. Làm quan Đô ngự sử Thập nhị Kinh diên, rồi được thăng lên Hộ bộ Thượng thự Khi mất được phong cho làm Phúc thân` tại quệ

26) Vũ Duệ ( ? – 1520 )
Còn có tên là Vũ Công Duệ, tên lúc nhỏ là Nghĩa Chi, người xã Trình Xá, huyện Sơn Vi, trấn Sơn Tây( nay thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú). Đỗ Trạng nguyên khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490). Làm quan đến Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ chầu Kinh diên, được tặng Thiếu bảo, tước Trịnh Khê Hầụ

27) Vũ Tích ( ? – ? )
Có sách cho là Vũ Dương, người làng Man Nhuế, huyện Thanh Lâm, Thừa Tuyên , Hải Dương ( nay thuộc huyệ Nam Thanh , Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493). Làm quan đến Hàn lâm Thị thư, đi sứ Trung Quốc, được thăng lên Công bộ Thượng thư, tước Hầụ Có chân trong nhóm Tao Đàn thị nhập bát tú của LêThánh Tông .

28) Nghiêm Hoản ( ? – ? )
Còn có tên là Viên, xã Phùng Ninh Giang, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc ( nay huyện Quế Võ, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), đời Lê Thánh Tông. Ông mất ngay sau khi đỗ, chưa kiệp nhận chức .

29) Đỗ Lý Khiêm ( ? – ? )
Người xã Dong Lãng, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ ( Nay là huyện Vũ Thư , Thái Bình ). Đỗ Trạng nguyên khoa thi Kỷ Mùi, niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (1499), đời Lê Hiển Tông. Làm quan đến Phó đô Ngự sử. Đi sứ nhà Minh bị mất ở dọc đường.

30) Lê Ích Mộc ( ? – ? )
Người xã Thanh Lãng, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn ( Nay là huyện Thủy Nguyên , thành phố Hải Phòng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 ( 1502), đời Lê Hiển Tông . Làm quan đến Tả thị lang. Trước khi đỗ đạt , ông ở chùa Diên Phúc, nên đến khi ông chết, nhân dân địa phương lập miếu thờ và tạc tượng ông thờ ở cạnh chùạ

31) Lê Nại ( 1528 – ? )
Có sách chép là Lê Đỉnh, người xã Mộ Trạch , huyện Đường Am, phủ Thượng Hồng( nay là huyện Cẩm Bình, Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyêhn khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất (1505), đời Lê Uy Mục. Làm qua đến Hộ bộ Thị Lang , lúc mất được tặng tước Đạo Trạch Bá.

32) Nguyễn Giản Thanh ( 1482 – ? )
Người xã Hương Mặc ( Ông Mặc ), huyện Đông Ngàn , phủ Từ Sơn, Kinh Bắc ( nay là huyện Tiên Sơn , Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 ( 1508), Đời Lê Uy Mục . Làm quan đến Viện hàn lâm Thị thư, kiêm Đông các Đại học sĩ. Đi sứ phương Bắc rồi được thăng lên Thượng thư, Hàn lâm Thị độc Chưởng viện sự, tước Trung Phủ Bá, lúc mất được tăng tước Hầu .

33) Hoàng Nghĩa Phú ( 1479 – ? )
Người xã Lương Xá( sau làm nhà ở Đan Khê ), huyện Thanh Oia , tỉnh Hà Sơn Bình ( nay là xã Đa Sĩ, Thanh Oai, Hà Sơn Bình ). Đỗ Trạng nguyên khoa Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 2 (1511), đời Lê Tương Dực . Làm quan đến Tham tri chính sự, kiêm Đô ngự sử. Lúc mất được phong làm phúc thần.

34) Nguyễn Đức Lượng ( ? – ? )
Người xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam ( nay thuộc Thanh Oai, Hà Sơn Bình ). Đỗ Trạng nguyên niên hiệu Hồng Thuận thứ 5 (1514), đời Lê Tương Dực. Đi sứ phương Bắc, lúc mất được tặng Thượng thự

35) Ngô Miên Thiều ( Thiệu ) ( 1498 – ? )
Người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Tiên Sơn, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Dần, niên hiệu Quan Thiệu thứ 3 (1518), Đời Lê Chiêu Tông. Làm quan cho nhà Mạc đến Thượng thư kiêm Đô ngự sử, Nhập thị Kinh diên, tước Lý Khế.

36) Hoàng Văn Tán (? – ?)
Đỗ Trạng nguyên khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên thứ 2 (1523) thời Lê Cung Đế.

37) Trần Tất Văn ( ? – ? )
Người xã Nguyệt Áng, huyện An Lão, phủ Kinh Môn, Hải Dương ( nay thuộc ngoại thành Hải Phòng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Bính Tuất, niên hiệu Thống Nguyên thứ 5 (1526), thời Lê Cung Đế . Thời Mạc, đi sứ phương Bắc, rồi làm đến Thượng thư, tước Hàn Xuyên Bá .

38) Đỗ Tông ( ? – ? )
Người xã Lại Óc, huyện Tế Giang, phủ Thuận An, Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức thứ 3 ( 1529), đời Mạc . Làm quan đến Đông các Đại học sĩ. Lúc mất được truy tặng Hình bộ Thượng thự

39) Nguyễn Thiến ( ? – ? )
Có tên hiệu là Cảo Xuyên , người làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam ( nay thuộc tỉnh Hà Sơn Bình ). Đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Đại Chính thứ 3 (1532), đơì Mạc Thái Tông ( Đăng Doanh ). Làm quan đến Thượng thư bộ Lại kiêm Đô ngự sử, tước Thư Quận Công . Thọ 63 tuổi .

40) Nguyễn Bỉnh Khiêm ( 1491 – 1585 )
Có tên chữ là Hạnh Phủ. hiệu là Bạch Vân tiên sinh , biệt hiệu Tuyết Giang Phu Tử . Đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi , niên hiệu đại chính thứ 6 (1535), đời Mạc Thái Tông. Làm Đông các Hiệu thư, Lại bộ Tả thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Trình Tuyền Hầu .

41) Giáp Hải ( ? – ? )
Sau đổi tên là Giáp Trưng, hiệu Tiết Trai, người làng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn ( nay thuộc huyện Yên Dũng, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ9 (1538), đời Mạc Thái Tông. Làm quan đến Lục bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, tước Kế Khê Bá, Luân Quận Công .

42) Nguyễn Kỳ ( ? – ? )
Người làng Bình Dân, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu , trấn Sơn Nam Hạ ( nay là huyện Châu Giang, Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Tân Sửu , niên hiệu Quảng Hoà thứ nhất ( 1541), đơì Mạc Hiến Tông ( Phúc Hải ). Làm quan đến Hàn lâm Thị thự
43) Dương Phú Tư ( ? – ? )
Người làng Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Văn Lâm, Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Muì, niên hiệu Vĩnh Định thứ nhất (1547), đời Mạc Tuyên Tông ( Phúc Nguyên ). Làm quan Tham Chính. Dâng sớ xin qui thuận Lê Thế Tông rồi đi ở ẩn .

44) Trần Bảo ( 1523 – ? )
Người xã Cổ Chữ, huyện Giao Thủy , trấn Sơn Nam Hạ ( nay thuộc huyện Xuân Thủy, Hà Nam Ninh ). Đỗ Trạng nguyên khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3 (1550), đời Mạc Tuyên Tông . Làm quan Thượng thư, đi sứ phương Bắc, tước Nghĩa Sơn Bá, được tặng Quận Công .

45) Nguyễn Lượng Thái ( ? – ? )
Người xã Bình Ngô, huyện Gia Định , phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Thuận Than`h, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Quý Sửu, niên hiệu Cảnh Lịch thứ 6 (1553), đời Mạc Tuyên Tông . Làm quan đến Tả thị lang bộ Lễ, kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Định Nham Hầu .

46) Phạm Trấn ( ? – ? )
Người xã Lam Kiều, huyện Gia Phúc , phủ Hạ Hồng , Hải Dương ( nay thuộc huyện Tứ Lộc, Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn , niên hiệu Quang Bảo thứ 3 (1556), đời Mạc Tuyên Tông . làm quan cho nhà Mạc , khi nhà Mạc mất, cự tuyệt không ra làm quan cho nhà Lê nên bị ám hạị

47) Đặng Thì Thố ( 1526 – ? )
Người làng Yên Lạc, huyện Thanh Lâm ( nay thuộc huyện Thanh Hà, Hải Hưng ). Đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Mùi , niên hiệu Quang Bảo thứ 6 (1559), đời Mạc Tuyên Tông. Được nhà Mạc rất trọng dụng .

48) Phạm Đăng Quyết ( ? – ? )
Tên lúc nhỏ là Phạm Duy Quyết, người làng Xác Khê, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, Hải Dương ( Hải Hưng ngày nay ). Đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất , niên hiề.u Thuần Phúc thứ nhất (1562), đời Mạc Mậu Hợp . Làm quan đến Tả thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Xác Khê Hầu .

49) Phạm Quang Tiến ( ? – ? )
Người làng Lương Xá, huyện Lương Tài, trấn Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Thuận Thành , Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Ất Sửu, niên hiệu Thuần Phúc thứ 4 (1565), đời Mạc Mậu Hợp. Mất trên đường đi sứ Trung Quốc .
50 ) Vũ Giới ( ? – ? )
Người xã Lương Xá, huyện Lương Tài , trấn Kinh Bắc ( Thuận Thành, Hà Bắc ngày nay ). Đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Sửu, niên hiệu Sùng Khang thứ 12 (1577). Làm quan đến lại bộ Thượng thự

51) Nguyễn Xuân Chính ( 1587 – ? )
Người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Tiên Sơn, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa thứ 3 (1637), đời Lê Thần Tông . Làm quan đến Lại bộ Tả thị lang. Được tặng Thượng thư, tước Hầụ

52) Nguyễn Quốc Trinh ( 1624 – 1674 )
Người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, Trấn Sơn Nam Thượng ( nay là xã Đại Áng, huyện Thanh Trì , Hà Nội ). Đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659), đời Lê Thần Tông . Làm quan đến Bồi tụng. Đi sứ Thanh ,bị giết hại, sau được truy tặng Binh bộ Thượng thư, Trì Quận Công. Vua cho tên thụy là Cường Trung và phong cho làm Thượng đẳng Phúc thân`.

53) Đặng Công Chất ( 1621 – 1683 )
Người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội ). Đỗ Trạng nguyên khoa Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661). Làm quan đến Thượng thư bộ Binh , bộ Hình. Lúc mất được tặng Thiếu Bảo, tước Bá.

54) Lưu Danh Công ( 1643 – ? )
Người làng Phương Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam ( Nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội ). Đỗ Trạng nguyên khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670), đời Lê Huyền Tông. Làm quan đến Hàn lâm Học sĩ .

55) Nguyễn Đăng Đạo ( 1650 – 1718 )
Sau đổi tên là Liên, người làng Hoài Bão, huyện Tiên Sơn, trấn Kinh Bắc nay là huyện Tiên Sơn, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Quý Hợi, niên hiệu Chính Hoà thứ 4 (1683), đời Lê Hy Tông. Làm quan đến Hữu thị lang bộ Lại, Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Bá. Đi sứ Trung Quốc, lúc mất được tặng Thượng thư bộ Lại, Thọ Quận Công .

56) Trịnh Huệ ( 1701 – ? )
Có tên hiệu là Cúc Lam, người xã Sóc Sơn, huyện Quảng Hóa, Thanh Hoá ( nay thuộc huyện Quảng Xương, Thanh Hoá ). Đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736), đời Lê Ý Tông. Làm quan Tham tụng rồi được thăng lên Thượng thư bộ Hình, Quốc Tử Giám Tế Tửu ( thời Trịnh Doanh ).

Trịnh Huệ là Trạng nguyên cuối cùng của lịch sử khoa cử Nho giáo Việt Nam .

ÔNG TRẠNG NỒI

Thuở xưa, có một chàng trai nhà nghèo lắm, hằng ngày phải đi kiếm củi lấy tiền ăn học. Chàng rất thông minh và ham học.

Năm ấy, nhà vua sắp mở khoa thi kén chọn nhân tài. Chàng học trò nghèo kia ngày đêm miệt mài đèn sách , nhiều bữa quên ăn. Thường đến bữa cơm, chàng đợi nhà bên cạnh vừa ăn xong, là chạy sang muợn nồi ngay. Lần nào chàng cũng cọ sạch bóng nồi trước khi đem trả.

Ngày thi đến. Chàng ung dung đến trường thi. Ngày yết bản, tên chàng được xếp đầu bản vàng, chàng đỗ Trạng Nguyên.Nhà vua mở tiệc ban thưởng cho quan trạng và các vị đỗ đạt . Tiệc xong, nhà vua vời quan trạng đến phán hỏi:
– Nay nhà ngươi đã đỗ Trạng Nguyên, tiếng tăm lừng lẫy, ta muốn giữ lại đây để phò vua giúp nước . Trước khi nhà ngươi nhận việc, ta cho phép về tạ ơn tổ tiên, thăm làng xóm họ hàng. Ta muốn ban thưởng cho nhà ngươi một số vật báu, cho phép nhà ngươi chọn lấy.
Nhà vua và các quan rất đổi ngạc nhiên khi quan trạng tâu lên:
– Tâu bệ hạ ! Thần chỉ xin bệ hạ một chiếc nồi nhỏ .
Hôm sau, quan trạng lên đường về thăm quê mang theo chiếc nồi nhỏ đúc bằng vàng nhà vua ban .

Tin người học trò nghèo đỗ Trạng Nguyên bay về làng làm nức lòng mọi người. Dân làng treo cờ, kết hoa, nổi chiêng trống đón quan trạng về thăm quê hương và lễ tổ.
Về đến đầu làng, quan trạng xuống kiệu, chào hỏi, cám ơn dân làng, rồi tay cầm chiếc nồi đi thẳng đến nhà ông hàng xóm trước kia. Dân làng lũ lượt đi theo. Thấy quan trạng đến, chủ nhà vội vàng ra chào đón. Quan trạng nói :
– Thưa ông, tôi xin biếu ông chiếc nồi vàng nhà vua ban cho tôi để tạ ơn ông. Nhờ ông có lòng giúp đỡ, tôi mới được như ngày nay.
Vợ chồng ông hàng xóm nghe quan trạng nói vừa mừng vừa bối rối, nghĩ thầm: ” Cho mượn nồi thì có gì mà quan trạng phải trả ơn to đến thế !” Dân làng cũng nghĩ như vậy. Như đoán biết ý nghĩ mọi người, quan trạng mĩm cười, thong thả nói:
– Hồi đó vì nghèo, trong thời gian ôn thi, tôi không có thì giờ đi kiếm gạo, nên đã cố tình mượn nồi của ông chủ đây để ăn vét cơm cháy trong mấy tháng trời. Nay đỗ đạt rồi, tôi có chút quà mọn trả ơn ông chủ như thế này đã bõ gì !

Chủ nhà và dân làng nghe nói, rất xúc động và cảm phục gương hiếu học và lòng biết ơn của quan trạng.

Ông Trạng Nguyên trẻ tuổi ấy chính là Tô Tịch , một người nổi tiếng thời trước của nước ta.

Em hãy tả cảnh truờng em lúc tan truờng

Đề bài: Em hãy tả cảnh trùơng em lúc tan truờng

Bài lam:

“Tùng…tùng..tùng!!” tiếng trống truờng dồn dã như báo hiệu một ngày học tập mệt mỏi cũng kết thúc.

 

Từ các lớp học, học sinh ùa ra như bầy chim vỡ tổ, hôm nay mẹ đến đón muộn nên tôi cũng không vội vã chạy ra cổng truờng như mọi hôm. Từ trúơc đến giờ tôi chưa bao giờ nhận ra cảnh tan trùơng lại náo nhiệt đến thế. Từ trên cao nhìn xuống, những mái đầu đen chen chúc nhau chạy ùa ra cổng như bầy chim non đang tìm về vòng tay ấm áp của bố me, tìm về ngôi nhà thân yêu. Vì tôi học lớp 5 nên lớp chúng tôi đụơc xếp tên tầng cao nhất, đây cũng là cơ hội cho tôi đụơc ngắm toàn cảnh mái trùơng thân yêu này. Giờ tan trùơng có lẽ là thời gian náo nhiệt nhất trong ngày, các em học sinh lớp một tụ lại thành từng nhóm khoe nhau bài kiểm tra đụơc điểm cao, các bạn học sinh lớp năm khác thì đang cuời chào nhau vui vẻ trúơc khi ra khỏi cổng. Tiếng cuời đùa, tiếng nói chuyện cùng với tiếng xe cộ rất ồn ào nhưng thật vui tai. Bên ngoài cổng trùơng, hoà vào dòng xe cộ đông đúc là những chiếc xe của phụ huynh lần luợt nối đuôi nhau chạy ra khỏi khu vực đậu xe. Dù học sinh đông là thế, xe của phụ huynh đông là thế nhưng nhờ sự húơng dẫn của bác bảo vệ mà từng chiếc xe đụơc xếp ngay ngắn trông rất lịch sự. Những khóm hoa, những cây cổ thụ duờng như  mệt mỏi sau một ngày trông nom các em học sinh nên cũng đang dần khép cánh nghỉ ngơi chuẩn bị cho ngày mai bận rộn. Nhìn thấy các em học sinh lớp 1 tôi chợt nhớ kỷ niệm năm nào khi vừa bỡ ngỡ búơc chân vào truờng. Thấm thoắt năm năm tiểu học cũng sắp hết. Biết bao kỷ niệm gắn bó cùng mái truờng thân yêu vẫn đọng mãi trong lòng tôi. Ngày ấy tôi là một học sinh rất nhút nhát, mỗi lần ra về tôi đều nắm tay cô giáo đi đến tận cổng truờng đón mẹ, ôi nhớ làm sao!

Sân trùơng cũng dần thưa nguời, nắng chiều đọng lại từng giọt như màu mật, vàng óng nhưng không chói chang. Bác mặt trời cũng dần lặn xuống để màn đêm từ từ hiện rõ hơn. Mọi thứ chìm vào tĩnh lặng, sân trùơng bỗng mang một nét hoài cổ rất lạ, tôi nghĩ về ngày mai không còn đụơc học ở đây, không còn đụơc nghe tiếng thầy cô thân yêu giảng bài, mà búơc vào một mái trùơng mới, thầy cô mới, bạn bè mới. Cảm xúc thật khó tả. Chợt tiếng mẹ gọi như đánh thức tôi giữa con mơ , tôi chạy vụt tới mẹ như cố tìm một hơi ấm chở che.

Rồi mai đây, tôi cũng sẽ lớn lên và phải búơc vào cấp học mới, nhưng tình cảm và sự quan tâm mà các thầy cô nơi đây đã dành cho tôi sẽ luôn luôn trong tâm trí, trong trái tìm tôi mang theo suốt đời. Ôi yêu lắm! Thầy ơi, cô ơi..những gì em đụơc học duới mái truờng này sẽ luôn là hành trang tiếp búơc cho em trong tuơng lai. Em xin hứa sẽ mãi là nguời trò giỏi, con ngoan để khi về thăm lại thầy cô, em sẽ luôn là niềm tự hào trong sự nghiệp trồng nguời, là hat giống tốt mà các thầy cô đã uơm mầm nuôi duỡng.